Pages

Apr 21, 2010

Những bệnh thường gặp ở trẻ

Sốt, ho, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy... là những bệnh trẻ thường xuyên mắc phải. Dưới đây là một số kiến thức, cách xử trí những tình huống thường gặp nói trên, theo chỉ dẫn từ các nhà chuyên môn.

Những biểu hiện thường gặp ở trẻ

Trước tiên phải nhắc đến triệu chứng thường gặp đó là nóng sốt - là một triệu chứng có thể do nhiều căn bệnh khác nhau. Sốt là sự phản ứng lại của cơ thể đối với một tác nhân gây nhiễm trùng, hay dị ứng, hoặc các bệnh lý khác...
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề về “Chăm sóc trẻ bệnh tại nhà”, do Trung tâm Dinh dưỡng (TP.HCM) tổ chức mới đây, các bác sĩ cho biết, biến chứng của sốt là gây mất nước, sốt cao co giật... Trẻ ở lứa tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo thường bị hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt..., mà nguyên nhân là do nhiễm trùng từ không khí, môi trường... Tiêu chảy là tình huống cũng rất hay gặp ở trẻ, biểu hiện bằng đi tiêu phân lỏng có nhiều nước, khoảng trên 3 lần trong ngày. Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng, nhiễm độc ở đường ruột, ăn uống không đảm bảo vệ sinh... Tác hại do tiêu chảy gây nên sợ nhất là tình trạng trẻ bị mất nước, rối loạn các chất điện giải, mất chất dinh dưỡng...

Xử trí những tình huống

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng, TP.HCM) lưu ý, nếu trẻ bị sốt, cần đo nhiệt độ, từ 36,5-37,70C là bình thường; từ 37,8-38,50C là sốt nhẹ; trên 38,50C là sốt cao - lúc này cần hạ sốt cho bé bằng cách: lau mát; cho thuốc hạ sốt; bù nước và dinh dưỡng... Cho trẻ nằm ở nơi kín gió, cởi bớt quần áo ra để lau mát trong lúc chờ thuốc hạ sốt có tác dụng. Dùng vài chiếc khăn lông nhỏ, nhúng ướt với nước ấm (độ 28-300C), vắt nhẹ, rồi lau cho trẻ ở phần cổ, hai bên nách, hai bên bẹn. Lần lượt thay khăn đến khi trẻ hạ cơn sốt còn khoảng 38oC, thì lau khô người và cho mặc quần áo vào. Lúc trẻ sốt, cần cho trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước cam, nước chanh). Sau khi sốt giảm, thì có thể cho trẻ bú, uống sữa. Cần cho trẻ dùng thức ăn lỏng, dễ tiêu trong lúc sốt, cho ăn làm nhiều bữa trong ngày. Nếu trẻ bị ói, ọc, thì cho trẻ nằm nghỉ 15-20 phút rồi cho ăn lại, với lượng ít hơn...

Ở trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cần theo dõi số lần đi tiêu trong ngày, tính chất phân; cho trẻ uống bù nước như uống gói Oresol (có bán sẵn). Một gói Oresol pha với 1 lít nước sôi để nguội (không được pha bằng nước khoáng, không được pha nửa gói với nửa lít nước), khuấy đều và để uống dần trong ngày, sau 24 giờ, thì nên bỏ đi (nếu uống không hết). Quan sát lượng phân trẻ đi tiêu, lượng trẻ ói, ọc, để biết mà bù đủ nước cho trẻ.

Khi trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ho, cần giữ ấm ngực, cổ cho trẻ, nhất là khi đi ngoài đường, sau khi tắm, không đưa bé đi ra ngoài buổi tối vào lúc này. Nếu trẻ bị chảy nước mũi nhiều, thì dùng khăn giấy hoặc khăn sữa khô, sạch, thấm nhẹ nhàng. Nếu mũi quá đặc, làm bé bị nghẹt mũi, thì có thể nhỏ mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý Nacl 0,9% để làm loãng mũi. Nếu bé chỉ sổ mũi trong, ho ít, sốt nhẹ trong 1-2 ngày rồi hết thì chỉ cần chăm sóc bé tại nhà, cho ăn uống bình thường, với nhiều rau, trái cây... Chế độ dinh dưỡng trong lúc này là rất quan trọng, giúp bé có đủ năng lượng để chống lại bệnh tật và không bị suy dinh dưỡng sau khi khỏi bệnh.

No comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger