Pages

Apr 20, 2010

Sốt là gì?

ĐỊNH NGHĨA SỐT

Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể cao hơn mức bình thường. Đây là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau.

Mọi người trong chúng ta đều đã từng có lần trải qua cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi do sốt gây ra. Sốt thường xảy ra do đáp ứng của cơ thể với sự nhiễm trùng hoặc viêm. Tuy nhiên cũng có thể có nhiều nguyên nhân khác chẳng hạn như do tác dụng của thuốc, chất độc, ung thư, tiếp xúc với nhiệt, tổn thương hoặc bất thường ở não hoặc bệnh của hệ nội tiết.

Hiếm khi sốt xuất hiện một mình mà không kèm theo các triệu chứng khác. Nó thường đi kèm với những triệu chứng đặc hiệu có thể giúp xác định được bệnh gây ra chúng. Điều này sẽ giúp bác sĩ có thể quyết định được cách điều trị cần thiết.

- Nhiệt độ bình thường của cơ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào từng cá nhân, từng thời điểm trong ngày và thậm chí là thay đổi theo thời tiết. Đối với hầu hết mọi người, nhiệt độ cơ bản là 37oC.
- Thông thường nhiệt độ cơ thể được kiểm soát bởi một vùng của não có tên là vùng hạ đồi. Hạ đồi tương tự như bộ máy điều nhiệt của cơ thể. Nó giữ cơ thể ở nhiệt độ bình thường qua cơ chế nhiệt (chẳng hạn như rùng mình và quá trình trao đổi chất) và cơ chế lạnh (chẳng hạn như vã mồ hôi và dãn các mạch máu ở gần da).
- Hiện tượng sốt xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể bị kích thích bởi pyrogen (chất gây sốt). Pyrogen thường bắt nguồn từ bên ngoài cơ thể và kích thích cơ thể sản xuất ra những pyrogen bên trong cơ thể. Pyrogen sẽ ra lệnh cho hạ đồi tăng điểm nhiệt của cơ thể lên. Để đáp ứng lại, cơ thể bắt đầu rùng mình, các mạch máu co lại để cố gắng đạt đến điểm nhiệt mới cao hơn nhiệt độ cơ bản.
- Pyrogen có thể ở bên ngoài cơ thể như:
  • Virus
  • Vi khuẩn
  • Nấm
  • Thuốc
  • Chất độc
NGUYÊN NHÂN

Virus

Nhiễm virus là một trong những nguyên nhân gây sốt thường gặp nhất ở người lớn. Các triệu chứng bao gồm: chảy nước mũi, đau họng, ho, khàn tiếng, và nhức mỏi cơ. Virus cũng có thể gây tiêu chảy, nôn ói hoặc khó chịu ở dạ dày.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh do virus có thể tự khỏi theo thời gian. Kháng sinh không thể điều trị được virus. Có thể điều trị các triệu chứng bằng những loại thuốc nghẹt mũi, thuốc ho được bán ngoài hiệu thuốc không cần toa bác sĩ. Nếu bị tiêu chảy hoặc nôn ói, bệnh nhân sẽ được khuyến khích uống nước. Có thể cung cấp thêm những chất điện giải bị mất do tiêu chảy hoặc ói bằng cách pha thêm đường và muối vào trong nước uống. Nếu vẫn không giữ nước được bên trong cơ thể, có thể cần phải gọi bác sĩ. Bệnh có thể kéo dài 1 đến 2 tuần.

Tình trạng nhiễm virus influenza có thể diễn ra hằng năm và là nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh năng cho những người cao tuổi. Các triệu chứng bao gồm nhức đầu và nhức cơ, khớp cùng với những triệu chứng thường gặp khác của nhiễm virus, trong đó có bao gồm cả sốt. Cần phải tiêm phòng vaccine influenza cho những người trên 50 tuổi và bất kỳ ai có nguy cơ tiếp xúc với loại virus này. Ngoài ra, có những loại thuốc chống lại influenza ngay lập tức sau khi xuất hiện triệu chứng. Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh.

Vi khuẩn

Những bệnh gây sốt do vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến hầu hết bất kỳ hệ cơ quan nào trong cơ thể. Bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh.

- Nhiễm trùng thần kinh trung ương (não và tủy sống) có thể gây sốt, nhức đầu, cứng cổ, hoặc lú lẫn. Bệnh nhân có thể lơ mơ và dễ kích thích, và mắt dễ bị ánh sáng kích thích. Đây có thể là biểu hiện của viêm màng não hoặc nhiễm trùng não, do đó bệnh nhân nên được đưa đến bác sĩ ngay lập tức.
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới bao gồm viêm phổi và viêm phế quản. Các triệu chứng bao gồm ho, khó thở, khạc đàm đặc và đôi khi đau ngực. Những người có hút thuốc nên ngừng thuốc ngay lập tức. Sốt gây đổ mồ hôi đêm và xuất hiện máu trong đàm đôi khi có thể gợi ý đến bệnh lao. Bất kỳ ai có những triệu chứng trên đều cần phải đến bệnh viện.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên xảy ra ở họng, tai, mũi và các xoang. Các triệu chứng chảy nước mũi, nhức đầu, đau họng kèm với sốt có thể giúp nghĩ đến một tình trạng nhiễm trùng.
- Nhiễm trùng hệ niệu-sinh dục có thể làm cho bệnh nhân bị tiểu rát, tiểu máu, tiểu lắt nhắt (có cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên) và đau lưng kèm theo với sốt. Đây có thể là những biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng ở bàng quang, thận, hoặc đường tiểu. Có thể dùng kháng sinh để điều trị.
- Nếu hệ sinh dục bị ảnh hưởng, bệnh nhân thường thấy bị chảy dịch ở dương vật hoặc âm đạo và bị đau khung chậu kèm với sốt. Đây có thể là biểu hiện của tình trạng viêm vùng chậu gây tổn thương nghiêm trọng đến cơ quan sinh dục. Trong trường hợp này, bệnh nhân và tất cả các bạn tình nên được bác sĩ khám bệnh.
- Nhiễm trùng hệ tiêu hóa được biểu hiện bởi các triệu chứng như tiêu chảy, nôn ói, khó chịu ở dạ dày và đôi khí thấy có máu trong phân. Máu trong phân thường biểu hiện tình trạng nhiễm trùng và có thể được điều trị bởi kháng sinh. Đau bụng có thể là do nhiễm trùng ở ruột thừa, túi mật, hoặc gan và bệnh nhân nên đi bác sĩ khám bệnh.
- Hệ tuần hoàn (bao gồm tim và phổi) cũng có thể bị vi khuẩn tấn công. Có thể sẽ không có những triệu chứng đặc hiệu xuất hiện cùng với sốt. Bệnh nhân có thể cảm thấy nhức mỏi cơ thể, run, yếu người, lú lẫn. Nhiễm trùng huyết khi vi khuẩn xâm nhập vào máu. Nhiễm trùng van tim có thể xảy ra ở những bệnh nhân đã từng phẫu thuật tim và những người dùng thuốc qua đường tĩnh mạch. Tình trạng này cần phải được nhập viện và điều trị tức thời với kháng sinh đường tĩnh mạch.
- Da, bộ phận lớn nhất của cơ thể, cũng có thể là nguồn gốc của nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể bị đỏ, sưng, nóng và chảy mủ hoặc đau ở vùng nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể là kết quả của chấn ở da hoặc thậm chí chỉ là một lỗ chân lông bị nghẹt gây ra abces. Đôi khi khu vực nhiễm trùng cần phải được dẫn lưu. Thường cũng cần sử dụng đến kháng sinh.

Nấm

Nhiễm nấm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ hệ cơ quan nào. Thông thường các bác sĩ có thể định bệnh được thông qua thăm khám bệnh nhân. Đôi khi cũng cần phải thực hiện các nghiệm pháp chẩn đoán chuyên sâu hơn. Bệnh thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm.

Sốt do tiếp xúc với động vật

Một số người có công việc liên quan đến động vật có thể tiếp xúc với những loại vi khuẩn hiếm gặp có thể gây sốt. Ngoài triệu chứng sốt, bệnh nhân có thể cảm thấy ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ và khớp. Những vi khuẩn này có thể tồn tại ở vật nuôi trong nhà, trong những thực phẩm hằng ngày chưa được tiệt trùng và trong nước tiểu của những động vật bị nhiễm bệnh.

Sốt ở những người đi du lịch

Những người đi chơi xa có thể bị sốt do tiếp xúc với những loại thức ăn mới, chất độc, côn trùng hoặc những bệnh có thể ngừa được bằng vaccine.

Trước khi đi du lịch nên chắc chắn rằng những loại vaccin mà bạn được tiêm chủng lúc nhỏ như sởi, quai bị, rubella, bạch hầu, uốn ván, bại liệt vẫn còn tác dụng trên cơ thể bạn. Những vaccine ngừa viêm gan A, viêm màng não, thương hàn nên được tiêm trước khi đi du lịch đến những khu vực có khả năng nhiễm bệnh.

Khi đi du lịch, uống phải nguồn nước bị nhiễm bẩn, rau quả còn sống, hoặc những thực phẩm chưa được tiệt trùng có thể gây sốt nhẹ và tiêu chảy. Có thể dùng Pepto-Bismol, Imodium và một số kháng sinh để điều trị. Những triệu chứng như quặn bụng, nôn ói, nhức đầu và sưng có thể khỏi sau 3-6 ngày. Nếu sốt trên 38.5oC hoặc có máu trong phân, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Vết côn trùng cắn là nguyên nhân gây nhiễm trùng thường gặp ở một số nước. Sốt rét là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi bị muỗi cắn. Khi bị cắn, người bệnh sẽ bị sốt và khỏi sau mỗi vài ngày. Cần phải được xét nghiệm máu để chẩn đoán. Ở một số khu vực dịch tễ, khi đi du lịch bạn cần phải mang theo thuốc phòng sốt rét. Bệnh Lyme bị lây nhiễm qua vết cắn của ve. Bất kỳ trường hợp nhiễm trùng nào do côn trùng cắn cũng cần phải được đưa đến bác sĩ.

Sốt do thuốc

Nếu cơn sốt xuất hiện sau khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới và không tìm thấy một nguyên nhân gây sốt nào khác thì đó có thể là sốt thuốc. Cơn sốt có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào sau khi bắt đầu dùng thuốc và có thể hết sau khi ngưng thuốc.

- Kháng sinh thường gây sốt sau một tuần điều trị
- Một số thuốc tim mạch và chống tai biến có thể gây sốt sau vài tháng điều trị.
- Cơn sốt có thể xuất hiện tức thời do phản ứng dị ứng với thuốc hoặc do chất bảo quản chứa trong thuốc.
- Dùng quá nhiều aspirin và hormon giáp có thể làm tăng chuyển hóa và gây sốt.
- Thuốc kháng histamin, một số thuốc chống trầm cảm và các thuốc an thần giảm đau có thể ngăn không cho thoát nhiệt ra ngoài cơ thể.
- Cocaine và amphetamine cũng có thể làm tăng hoạt động cơ và gây sốt.

Sốt do huyết khối

Đôi khi huyết khối xuất hiện ở chân có thể gây phù và đau ở vùng bắp chân. Một phần của cục huyết khối này có thể vỡ ra và đi vào phổi gây đau ngực và khó thở. Ngược lại, bệnh nhân có thể bị sốt do viêm các mạch máu. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trên đây, bạn nên đến bệnh viện để được khám.

Sốt do u

Ung thư có thể gây sốt bằng nhiều cách khác nhau. Đôi khi chính khối u sản xuất ra pyrogen tự gây sốt. Một số khối u có thể bị nhiễm trùng. Những khối u ở não có thể ngăn không cho hạ đồi điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Nhiều loại thuốc mà bệnh nhân ung thư đang sử dụng có thể gây sốt. Và cuối cùng, hệ miễn dịch ở bệnh nhân bị ung thư có thể yếu đi nên cơ thể giảm khả năng chống đỡ lại với nhiều loại nhiễm trùng.

Sốt do môi trường

Đôi khi thân nhiệt có thể đạt đến mức giới hạn cao khi cơ thể trở nên quá nóng. Tình trạng này được gọi là tăng thân nhiệt. Hiện tượng này thường xảy ra khi tập những môn thể thao nặng hoặc khi cơ thể tiếp xúc với khí hậu nóng hoặc ẩm ướt. Một số loại thuốc thay đổi thói quen cơ thể có thể ngăn không cho cơ thể chống đỡ lại với nhiệt. Những người bị tăng thân nhiệt có thể bị lú lẫn, lơ mơ hoặc thậm chí là hôn mê. Họ có thể có thân nhiệt rất cao và không thể đổ mồ hôi. Cách điều trị tình trạng tăng thân nhiệt khác so với điều trị những nguyên nhân gây sốt khác. Bệnh nhân bị tăng thân nhiệt nên được làm lạnh ngay lập tức.

Những bệnh lý đặc biệt

Nhiều người bị những bệnh làm giảm khả năng hoạt động bình thường của hệ miễn dịch làm cho những tác nhân nhiễm trùng gây sốt có thể xâm nhập vào cơ thể một cách dễ dàng hơn. Tùy thuộc vào từng loại bệnh mà có thể các bác sĩ sẽ cảm thấy khó khăn khi tìm ra nguồn gốc gây sốt. Sốt diễn ra ở những người bị giới hạn khả năng chiến đấu chống lại nhiễm trùng có thể sẽ rất nguy hiểm.

Những nguyên nhân gây suy yếu hệ thống miễn dịch:
  • Ung thư
  • Thuốc trị ung thư
  • Ghép tạng
  • Sử dụng corticoid trong một thời gian dài
  • HIV
  • Lớn hơn 65 tuổi
  • Không có lách
  • Sarcoidosis
  • Lupus
  • Dinh dưỡng kém
  • Đái tháo đường
  • Uống rượu nặng hoặc sử dụng ma túy.
Bất kỳ người nào có một trong số những nguyên nhân trên và bị sốt nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu. Điều quan trọng là cần phải được điều trị thích hợp và ngay lập tức. Hành động nhanh chóng có thể sẽ cứu sống được bệnh nhân.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BỆNH

Thời điểm cần đến gặp bác sĩ:

Sốt có thể do nhiều nguyên nhân. Thường gặp nhất là do nhiễm siêu vi và có thể tự khỏi.

Hãy gọi cho bác sĩ nếu những gặp bất kỳ tình huống nào sau đây:
  • Sốt từ 40oC trở lên.
  • Kéo dài trên 7 ngày.
  • Các triệu chứng ngày càng tệ hơn.
Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu như có các triệu chứng sau đi kèm sốt:
  • Lơ mơ hoặc ngủ quá nhiều
  • Cứng cổ
  • Nhức đầu nặng
  • Đau họng
  • Nổi ban
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Nôn ói nhiều lần
  • Đau bụng
  • Có máu trong phân
  • Đau khi đi tiểu
  • Sưng, phù nề chân
  • Da bị sưng, nóng, đỏ
Những người bị bệnh nặng như ung thư hoặc HIV có thể không có các dấu hiệu báo động. Do đó nếu xuất hiện những triệu chứng nhẹ cũng cần phải được gặp bác sĩ trước khi bệnh trở nên nặng nề hơn.

Thời điểm cần đến bệnh viện

Một số bệnh xuất hiện cùng với sốt có thể gây đe dọa tính mạng và nếu gặp trường hợp đó, bệnh nhân nên được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

- Viêm màng não có thể gây đe dọa tính mạng và độ lây nhiễm cao nếu nguyên nhân là một số loại vi khuẩn nhất định. Một người có những triệu chứng sau: sốt, nhức đầu nặng nề, và cổ cứng kết hợp với nhau nên được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
- Bệnh nhân bị khó thở hoặc đau ngực kèm với sốt cũng nên được đưa đến phòng cấp cứu hoặc gọi xe cấp cứu ngay lập tức.
- Nếu bị sốt kèm theo có máu trong phân, trong nước tiểu, hay trong đàm, cũng cần phải đến phòng cấp cứu gấp.
- Một người bị sốt kèm với kích động quá mức hoặc lơ mơ mà không có nguyên nhân rõ ràng nên được chuyển đến phòng cấp cứu.
- Nếu một người bị suy yếu hệ miễn dịch (Vd: những bệnh nhân bị ung thư hoặc AIDS) nên đến gặp bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu lập tức nếu bị sốt.
- Tăng thân nhiệt là một tình huống cấp cứu. Hãy gọi xe cấp cứu nếu thân nhiệt của bệnh nhân lên trên 40oC và lơ mơ hoặc không có phản ứng.

KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân nhiều câu hỏi để cố gắng tìm nguyên nhân gây sốt:
  • Sốt xuất hiện khi nào
  • Có những triệu chứng nào khác xảy ra
  • Tình trạng tiêm chủng của bệnh nhân
  • Có đi du lịch ở đâu trong thời gian gần đây không
  • Có tiếp xúc với người bệnh ở cơ quan hay ở nhà không
  • Những thuốc đang sử dụng hoặc những thuốc bất hợp pháp đang dùng
  • Có tiếp xúc với động vật không
  • Tình trạng tình dục
  • Những lần phẫu thuật gần đây
  • Có bị những bệnh nào khác không
  • Dị ứng
Sau đó bệnh nhân sẽ được khám toàn diện để tìm nguyên nhân gây sốt. Sau khi hỏi và khám bệnh nhân, có thể bác sĩ sẽ tìm ra được nguyên nhân gây sốt, tuy nhiên nếu bác sĩ vẫn chưa chắc chắn, một số xét nghiệm sẽ được thực hiện để giúp chẩn đoán.
  • Xét nghiệm máu để đếm các tế bào bạch cầu
  • Cấy họng tìm streptococus
  • Lấy mẫu đàm
  • Cấy máu
  • Phân tích nước tiểu
  • Lấy mẫu phân
  • Chọc dịch não tủy
  • Chụp X - quang hoặc CT scan
  • Kiểm tra chức năng gan
Dựa vào kết quả của những xét nghiệm trên, bác sĩ thường có thể tìm ra được nguyên nhân gây sốt. Nếu cần thiết, có thể sẽ phải thực hiện thêm những xét nghiệm đặc hiệu hơn.

ĐIỀU TRỊ

Tại nhà

Bạn có thể tự nhận định mình có sốt hay không bằng cách đo nhiệt độ bằng nhiệt kế. Nơi đo nhiệt độ ở người lớn tốt nhất là đặt nhiệt kế vào miệng hoặc trực tràng (dùng nhiệt kế trực tràng).

Thông thường, có thể giảm sốt bằng thuốc ibuprofen hoặc acetaminophen. Cả 2 loại thuốc này đều có thể giúp kiểm soát được triệu chứng đau và sốt. Đôi khi có thể cần phải phối hợp cả 2 loại để dứt điểm cơn sốt.

Aspirin không phải là thuốc lựa chọn đầu tiên để hạ sốt vì nó có thể gây độc nếu dùng ở liều lớn ở người lớn hoặc gây hội chứng Reye ở trẻ nhỏ.

- Ibuprofen có tác dụng ngăn vùng hạ đồi nâng cao thân nhiệt lên. Nó có dạng thuốc viên 200mg được bán ở các quầy thuốc. Bạn nên uống 1 - 2 viên mỗi 4 giờ để hạ nhiệt. Dùng với liều thấp nhất có thể.
  • Tác dụng phụ của ibuprofen là nôn và buồn nôn, do đó để phòng ngừa, không nên dùng thuốc chung với thức ăn. Những tác dụng phụ hiếm gặp bao gồm tiêu chảy, táo bón, ợ nóng và đau dạ dày. Những người bị loét dạ dày, bệnh thận, phụ nữ mang thai và dị ứng với aspirin nên tránh dùng ibuprofen.
  • Một số tên thương mại thường gặp của ibuprofen bao gồm Advil, Motrin, và Nuprin. Hãy đọc nhãn thuốc để tìm bảng liệt kê thành phần xem có tên ibuprofen được liệt kê trong đó không.
- Acetaminophen cũng có thể ngăn triệu chứng sốt xảy ra. Nó có dạng thuốc viên 325mg hoặc 500mg được bán ở các quầy thuốc. Dùng 1 - 2 viên mỗi 4 giờ có thể giới hạn được cơn sốt.
  • Rất hiếm gặp tác dụng phụ, nhưng có một số người bị dị ứng với acetaminophen. Nếu dùng một lượng lớn (quá liều) có thể gây suy gan. Do đó, những người bị bệnh gan và nghiện rượu mạn nên tránh sử dụng loại thuốc này.
  • Những tên thương mại thường gặp của acetaminophen là Panadol, Anacin-không-aspirin, Feverall, Genapap, Tempra và Tylenol. Hãy đọc nhãn thuốc để tìm bảng liệt kê thành phần xem có tên acetaminophen được liệt kê trong đó không.
- Sốt có thể làm cho bạn mất nước rất nặng. Hãy uống thật nhiều nước. Tránh làm lạnh da, điều đó chỉ làm cho bạn khó chịu hơn mà thôi. Ngoài ra chúng còn làm cho bạn run do đó sẽ còn làm thân nhiệt tăng hơn nữa nếu nguyên nhân gây sốt là nhiễm trùng. Hướng điều trị tiếp theo tùy thuộc vào nguyên nhân gây sốt và những triệu chứng kèm theo. Những triệu chứng cảm thông thường có thể được điều trị bằng những thuốc thông dụng được bán tại quầy.
- Nếu sốt do tiếp xúc với khí hậu nống hoặc vận động quá mức, cách điều trị sẽ rất khác so với những kiểu sốt khác. Acetaminophen và Ibuprofen đều không có tác dụng. Bệnh nhân cần phải được làm lạnh ngay lập tức. Nếu bệnh nhân bị lơ mơ hoặc mất ý thức, hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Trong khi chờ đợi, hãy chuyển bệnh nhân ra khỏi nơi nóng bức và cởi bỏ bớt quần áo. Cơ thể có thể được làm lạnh với khăn ẩm, quạt tác động trực tiếp lên cơ thể.

Can thiệp y học

Cách điều trị sốt tùy thuộc vào nguyên nhân của nó. Trong hầu hết các trường hợp, ngoại trừ tăng thân nhiệt, thì acetaminophen hoặc ibuprofen đều có thể làm hạ thân nhiệt. Nên cung cấp thêm dịch cho cơ thể qua đường miệng hoặc tiêm tĩnh mạch để chống mất nước nếu cần thiết.

- Nhiễm siêu vi có thể tự khỏi. Có thể bệnh nhân sẽ được cho những loại thuốc điều trị những triệu chứng đặc biệt khác. Có thể đó là những loại thuốc làm giảm thân nhiệt, trị nghẹt mũi, giảm đau họng hoặc trị sổ mũi. Virus có thể gây nôn ói và tiêu chảy và cần phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch cùng với dùng thuốc để làm chậm lại tốc độ tiêu chảy và nôn ói. Một số ít loại nhiễm siêu vi có thể được điều trị bằng thuốc kháng siêu vi, trong đó có Herpes và influenza virus. Nếu bệnh nhân có thể uống nước được và triệu chứng nhẹ, bệnh nhân có thể về nhà được mà không cần ở lại bệnh viện.
- Những bệnh nhiễm vi khuẩn cần phải có loại thuốc kháng sinh đặc hiệu để điều trị tùy thuộc và loại vi khuẩn được tìm thấy và nơi ở của nó trong cơ thể người. Các bác sĩ sẽ xác định xem người bệnh có cần phải nhập viện không hay có thể ra về được. Quyết định tùy thuộc vào bệnh hiện tại và những bệnh kèm theo khác của bệnh nhân.
- Hầu hết những trường hợp nhiễm nấm đều có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm.
- Sốt do thuốc có thể giảm sau khi ngưng thuốc.
- Nếu bị huyết khối thuyên tắc, bạn nên đến bệnh viện và sử dụng thuốc tán huyết.
- Bất kỳ ai có bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng của hệ miễn dịch đều được theo dõi sát và thường được nhập viện.
- Đối với bệnh nhân tiếp xúc với nhiệt độ nóng ở môi trường cần phải được làm mát bằng cách cởi bỏ hết quần áo, mở quạt có phun sương, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Tái khám

Hầu hết các trường hợp sốt đều sẽ khỏi sau vài ngày được điều trị thích hợp. Hãy tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được bảo đảm nguyên nhân gây sốt đã được trị hết, có thể là vài ngày đến vài tuần sau lần đến khám đầu tiên, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Nếu triệu chứng nặng hơn, sốt kéo dài trên 3 ngày mặc dù đã được điều trị, hoặc nếu sốt kéo dài hơn 1 tuần không được điều trị, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Phòng ngừa

Hầu hết các trường hợp sốt là do nhiễm trùng. Bạn có thể phòng ngừa được sự lây lan của nhiễm trùng.
  • Cách tốt nhất để ngăn sự lây nhiễm là rửa tay thường xuyên.
  • Giữ không gian nhà ở và nơi làm việc được sạch sẽ.
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh.
  • Không dùng chung ly hoặc đồ đựng thức ăn, đặc biệt là nếu chúng không được sạch.
  • Mặc quần áo bảo hộ thích hợp và sử dụng dụng cụ khi phải làm việc với động vật.
  • Bảo đảm bạn đã tiêm ngừa đầy đủ và mang theo thuốc phòng ngừa thích hợp nếu đi du lịch xa.
  • Sau khi tập luyện nặng, cố gắng không để mất nước, mặc quần áo mát, nghỉ ngơi đều đặn và hạ nhiệt cơ thể sau khi hoàn tất bài tập. Tránh uống rượu hoặc dùng thuốc làm thay đổi hành vi và suy nghĩ.
Tiên lượng

Ở hầu hết các trường hợp, sốt sẽ tự đến và tự đi mà không cần có sự can thiệp gì nhiều từ bác sĩ. Nếu tìm ra được một nguyên nhân đặc biệt gây sốt, bác sĩ có thể sẽ kê toa những loại thuốc thích hợp và giải quyết nguyên nhân đó. Đôi khi, cần phải dùng đến loại kháng sinh thứ hai, thuốc kháng nấm hoặc những loại thuốc khác. Thông thường nếu được điều trị bằng một phương pháp thích hợp, tình trạng nhiễm trùng sẽ được giải quyết và người bệnh sẽ trở lại bình thường.

Ở một số trường hợp, sốt có thể gây đe dọa tính mạng, thường gặp ở những người bị suy yếu hệ miễn dịnh, một số loại viêm màng não và đau bụng nặng nề. Viêm phổi cũng có thể gây đe dọa mạng sống ở những người lớn tuổi. Bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào chưa tìm ra được nguồn gốc đều có thể tiếp tục diễn tiến xấu hơn và trở nên rất nguy hiểm. Tăng thân nhiệt nặng có thể gây hôn mê, tổn thương não, và thậm chí là tử vong.

No comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger