Pages

May 19, 2012

Cây củ ấu - vị thuốc tốt, thực phẩm ngon

Cây củ ấu sống dưới nước, mọc ở các ao, đầm. Cây có thân ngắn, lá nổi trên mặt nước và lá chìm dưới nước. Lá nổi có phao ở cuống, lá chìm phiến lá giảm nhỏ chỉ thấy các đường gân. Rễ mọc dưới bùn và trong nước. Hoa màu trắng, mọc đơn độc hay ở nách lá. Quả thường gọi là củ có 2 sừng do các lá phát triển thành. Trong quả chứa một hạt, trong hạt có nhiều bột trắng ăn được.

Cây củ ấu sống dưới nước, mọc ở các ao, đầm. Cây có thân ngắn, lá nổi trên mặt nước và lá chìm dưới nước. Lá nổi có phao ở cuống, lá chìm phiến lá giảm nhỏ chỉ thấy các đường gân. Rễ mọc dưới bùn và trong nước. Hoa màu trắng, mọc đơn độc hay ở nách lá. Quả thường gọi là củ có 2 sừng do các lá phát triển thành. Trong quả chứa một hạt, trong hạt có nhiều bột trắng ăn được.

Củ ấu có 2 giống: ấu gai và ấu trụi, ấu gai quả có 2 sừng nhọn như gai, năng xuất thấp, ấu trụi quả có 2 sừng tù, năng xuất cao. Cây ấu trồng để lấy quả (củ) làm thức ăn cho người hay cho gia súc, lấy lá làm thức ăn xanh, trong y học dùng vỏ quả ấu và cây làm thuốc.

Cây ấu mọc hoang dại hoặc được trồng ở các vùng ruộng nước, ao, đầm, hồ, sông cụt... Cây trồng nhiều nơi trong cả nước. ở miền Bắc, mùa hoa ấu vào các tháng 5-6, mùa quả vào tháng 7-9. Thường thu hoạch khi củ đã thành thục nhưng chưa quá già, vỏ củ màu nâu. Lúc này lá ấu không nằm ngang trên mặt nước như khi củ còn non mà lá nâng lên chếch mặt nước. Thu hoạch lúc này rất dễ vì quả chưa bị rụng xuống nước. Khi củ quá già, vỏ quả màu đen sẫm, cứng như sừng, nếu không thu hoạch sẽ bị rụng xuống bùn.

Mấy năm gần đây, hợp tác xã nông nghiệp Đa Tốn, Gia Lâm đã và đang hợp tác với đối tác Đài Loan trồng cây ấu Đài Loan tại ruộng nước Đa Tốn để xuất khẩu sang Đài Loan. Giống ấu Đài Loan có củ to hơn ấu nước ta, năng suất cao, kỹ thuật trồng đơn giản, chi phí không nhiều. Giống ấu này không kén đất, phù hợp với ruộng nước ngập từ 0,5m trở xuống. Từ khi trồng ấu đến khi thu hoạch là khoảng 3 tháng; thu hoạch làm nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 10-15 ngày. Có thể kết hợp thả cá trong ruộng ấu, lợi nhuận thu được sẽ rất cao. Hiện nay các tỉnh đang tìm mua giống ấu này.

Trong củ ấu có nhiều gluxit, đường glucô, protein. Trong 100g thịt củ ấu có 24g đường, 9mg canxi, 49mg phot pho, 0,7mg sắt, các vitamin A, B1, C, D và men có tác dụng điều trị các bệnh ung thư gan, ung thư dạ dày.

Theo các lương y nước ta, củ ấu có vị ngọt tính mát, có tác dụng bổ mát, giải cảm nắng, giải các chất độc, ăn thì bổ ngũ tạng, no lòng không đói, yên trong bụng và nhẹ mình, chữa rôm sảy, da mặt khô sạm, chữa nhức đầu, choáng váng cảm sốt, chữa loét dạ dày, giải độc rượu...

Trung Quốc đã nghiên cứu và dùng cây ấu chữa bệnh từ lâu đời. Sách "Danh y biệt lục" cổ xưa đã viết: củ ấu tươi vị ngọt, mát, ăn uống có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền, tiêu khát, giải rượu; Còn ăn chín có công hiệu ích khí, kiện tỳ. Trong cuốn "Bản thảo cương mục" cổ có viết: Củ ấu vị ngọt chát, tính bình, có công hiệu ngừng thoát tả, giải độc, tiêu độc, tiêu thũng, thường dùng để chữa bệnh tiêu chảy, kiết lị, đại tiện ra máu, loét dạ dày, trĩ, lòi dom. Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy củ ấu là vị thuốc tốt, thực phẩm ngon, nhưng ăn nhiều sẽ gây trệ khí, do đó những người có u cục ở ngực, bụng không được dùng.

Một số bài thuốc Việt Nam và Trung Quốc dùng cây ấu

- Chữa nhức đầu, choáng váng, cảm sốt: 3-4 củ ấu sao cháy, sắc uống, ngày 1 thang (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

-  Sốt, sốt rét, loét dạ dày: Vỏ củ ấu sao thơm, sắc uống (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

- Giải độc rượu, làm cho sáng mắt, chữa sài đầu trẻ: 10-16g toàn cây, sắc uống (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

- Rôm sảy, da khô sạm: Dùng củ ấu tươi, giã nát, xoa lên da (Chữa bệnh bằng cây lá).

- Viêm loét dạ dày: Thịt củ ấu 30g, Củ mài 15g, Hồng táo 15g, Bạch cập 10g, Gạo nếp 100g, nấu cháo, cho thêm 20g Mật ong, trộn đều ăn (Sách Trung Quốc: Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây).

- Hư nhược phiền khát: Thịt củ ấu tươi 50g, Địa cốt bì 15g, Câu kỷ tử 6g, Hoàng cầm 6g, Cam thảo chế 6g, sắc uống (Sách Trung Quốc: Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây).

-Say rượu: Thịt củ ấu tươi 250g, nhai nuốt (Sách Trung Quốc: Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây).

-Tỳ vị hư nhược: Thịt củ ấu 50g, Bạch truật 15g, Hồng táo 15g, Sơn tra 10g, Sơn dược 15g, Màng mề gà 6g, Cam thảo chế 3g, sắc uống (Sách Trung Quốc: Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây).

- Đại tiện ra máu: Vỏ củ ấu 60g, Địa du 15g, Tiêu sơn căn 6g, ô mai 10g, Cam thảo chế 6g, sắc uống (Sách Trung Quốc: Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây).

- Bệnh trĩ, nhọt nước: Vỏ củ ấu sấy khô, đốt tồn tính, tán thành bột, trộn đều với Dầu vừng, bôi hoặc đắp.

Nước ta có điều kiện tốt để phát triển cây ấu. Đây là cây thực phẩm, cây thuốc, cây xuất khẩu.  Mong rằng các nhà sản xuất, dược liệu, kinh doanh nghiên cứu sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước và thị trường nước ngoài.

Caythuocquy.info.vn

No comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger