Pages

Sep 26, 2012

Rau khúc vị thuốc quý trong những ngày xuân

Rau khúc là một loài rau dại. Hằng năm, cứ tới mùa xuân, cây lại xuất hiện,  mọc lên khắp nơi,  thường hay gặp nhất ở trên các bãi hoang, bờ ruộng, bờ cát ven sông ...

  • Thuốc hay từ rau muống
  • Chanh - Vị thuốc quý chớ nên coi thường!
  • Rau mùi: Gia vị ngon, thuốc quý
  • "Vị thuốc" từ chuối
  • Trái kiwi - Một vị thuốc quý
  • Tía tô - Thuốc quý dân gian
  • Gừng - Vị thuốc đa dụng trong mùa mưa lũ
  • Kinh giới - Thuốc quý của mọi nhà
  • Vị thuốc từ quả đu đủ
  • Làm thuốc từ quả vả

Trong điều kiện thời tiết khí hậu ở phía Bắc, rau khúc tốt tươi nhất trong những ngày gần tiết Thanh minh, nên thời xưa một số địa phương còn đặt cho cây cái  tên "Thanh minh thảo".

Loài rau dại này có thể luộc hoặc nấu canh ăn như các thứ rau khác, nhưng chủ yếu được sử dụng để làm bánh khúc, nên dân gian mới được đặt tên là cây "Rau khúc".

Bánh khúc, thực ra chỉ là những nắm xôi, bên trong có nhân làm bằng lá rau khúc giã nhuyễn, hấp chín cùng nhân đậu xanh, thịt lợn, hạt tiêu...

Thế mà trong những ngày xuân ở phía Bắc, khi tiết trời vẫn còn giá lạnh, sáng sớm hay đêm khuya, có được chiếc  bánh khúc nóng vào bụng, sẽ có cảm giác rất khoan khoái và ấm áp trong lòng.

Tiếng rao "Ai bánh khúc nóng ơ!" lúc đêm khuya suốt một thời gian dài từng là nét văn hóa đặc trưng của phố cổ Hà Nội. Còn hiện tại, tiếng rao đó chỉ còn là hoài niệm, thành nỗi nhớ của những người xa xứ lâu năm.

Hiện tại, trên một số tuyến phố Hà Nội, cũng có một số hàng chuyên bán bánh khúc; Được quảng cáo là bánh khúc xịn, nhưng trên thực tế, có khi bánh được chế biến từ lá su hào hoặc lá gì khác nữa, khó mà biết được.

Nay muốn có bánh khúc xịn thực sự, chỉ còn cách tự đi ra ngoại thành thu hái hoặc ra chợ mua rau khúc về làm.

Cây rau khúc còn có tên là "khúc nếp", "thử khúc thảo", "thử nhĩ", "hoàng hoa bạch ngải", "phật nhĩ thảo", "thanh minh thảo", "hài nhi thảo" ...  Tên khoa học là Gnaphalium affine D. Don (Gnaphalium multiceps Wall.), thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Rau khúc là loài cây thảo sống hằng năm, thân mảnh, cao chừng 10-20cm, có lông trắng mềm. Lá thuôn hình dỉa, có mũi nhọn, với lông mịn trắng ở mặt dưới.

Cụm hoa hình bông hay hình chuỳ mọc ở ngọn. Lá bắc thuôn hình trái xoan, hoa cái và hoa lưỡng tính rất nhiều. Tràng hoa  các mảnh có ba răng nhỏ, tràng hoa lưỡng tính phình to từ gốc đến đỉnh.

Quả bế thuôn dài. Loài rau khúc này mọc hoang dại ở các vùng nông thôn  khắp nước ta, nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung; thường gặp trên các ruộng khô, bờ ruộng, ven đường ... ; Còn thấy mọc ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và một số nước khác.

Để làm thuốc, thường hái lá hoặc toàn cây, tốt nhất vào lúc trước khi cây ra hoa hoặc tuy đã có hoa  nhưng chưa nở. Dùng tươi tốt nhất, nhưng cũng có thể phơi khô để dùng dần.

Để làm thuốc, thường hái lá hoặc toàn cây, tốt nhất vào lúc trước khi cây ra hoa hoặc tuy đã có hoa  nhưng chưa nở.

Lưu ý: Ngoài loài mô tả ở  trên, trên thực tế rau khúc còn có nhiều biến loài (biến chủng). Cùng một thời gian với loài khúc nếp nói trên, mùa xuân còn hay gặp loài  "rau khúc tẻ", còn có tên  "rau khúc vàng"; Tên khoa học là  Gnaphalium luleo -album L., cũng thuộc họ Cúc.

Rau khúc tẻ cũng là cây mọc hàng năm, nhưng thân thường mọc đơn, cao 30-70cm, màu trắng, phủ lông như bông. Lá mọc so le, nguyên, hình trái xoan ... .

Tới cuối xuân, đầu hè, lại xuất hiện một loài rau khúc khác, có tên là  "rau khúc nhiều thân"; tên khoa học là Gnaphalium polycaulon Pers.; cũng thuộc họ Cúc.

Ngoài ra, tại một số địa phương (bãi cát trên bờ sông ở ngoại thành Hà Nội,  ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai)...), từ mùa hè còn có thể xuất hiện một loài khúc khác, gọi là = "rau khúc dưới trắng", sách thuốc Trung Quốc gọi đó là "rau khúc mùa thu (thu thử khúc thảo; Tên khoa học là  Gnaphalium hypoleucum DC.; họ Cúc).

Rau khúc có nhiều biến loài, nhưng đều được sử làm thuốc với cùng tác dụng. Theo Đông y, rau khúc có vị ngọt, tính bình; Vào 3 kinh Phế, Tỳ và Vị. Có công dụng khư phong  tán hàn, hóa đàm chỉ khái, lợi thấp, giải độc.

Dùng chữa cảm mạo phong hàn, ho nhiều đờm, khí suyễn, phúc tả, bạch đới, tỳ hư thủy thũng, còn dùng chữa nhiễm độc đậu tằm, phong thấp đau nhức;

Dùng ngoài chữa lở ngứa ngoài da, phong chẩn mẩn tịt, mụn nhọt sưng đau. Trong dân gian, ngoài công dụng làm bánh khúc ăn, thường dùng lá khúc để chữa ho, viêm chi phế quản.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong rau khúc có chứa nhiều hợp chất thiên nhiên có lợi đối với sức khỏe. Toàn cây còn chứa tinh dầu (khoảng 0,05%), nên dùng cây tươi là tốt nhất; Để bảo quản tinh dầu, khi sắc nên để nước sôi rồi mới cho rau vào, sôi lại nhắc ra và dùng ngay.

- Liều dùng: Ngày dùng 10-16g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm. Có thể thái nhỏ cho vào một ít đường, hấp trên nồi cơm cho uống.

Một số bài thuốc dùng rau khúc

- Chữa cảm lạnh phát sốt, ho: Dùng toàn cây rau khúc khô 15-20g (hoặc 30-40g tươi), sắc nước uống trong ngày; Có thể thêm tía tô, kinh giới, mỗi thứ 9g, cùng sắc uống.

- Chữa cảm nắng, phát sốt, ho: Dùng rau khúc khô 30g, thanh cao 15g, bạc hà 9g, sắc nước uống trong ngày.

- Chữa viêm họng, hen suyễn nghẹt đờm: Dùng độc vị rau khúc khô 30g sắc uống; Hoặc thêm gừng, hành mỗi vị 10g cùng sắc uống. Còn có thể  dùng: Rau khúc khô 30g, ma hoàng 6g, khoản đông hoa, hạnh nhân, bạch tiền, mỗi thứ 9g, sắc uống.

- Chữa ho nhiều đờm: Dùng rau khúc khô 15-20g, đường phèn 15-20g,  sắc nước uống trong ngày.

- Chữa viêm khí quản mạn tính: Một bệnh viện ở Trung Quốc đã thử nghiệm sử dụng 50g rau khúc khô, sắc lấy nước đặc, chia thành 3 lần uống trong ngày, liên tục 10 ngày (một liệu trình).

Điều trị 165 ca viêm khí quản mạn tính đạt kết qủa tốt: sau 2 liệu trình tỷ lệ khỏi bệnh đạt 81%.

Một bệnh viện khác thử nghiệm sử dụng rau khúc phối hợp với xa tiền thảo và liên kiều chữa viêm khí quản mạn cũng đạt kết quả tốt (Theo "Trung dược đại từ điển").

- Chữa cao huyết áp: Dùng rau khúc khô 12g, câu đằng 9g, tang ký sinh 9g, sắc nước uống trong ngày.

- Chữa đầy bụng, tiêu chảy: Dùng toàn cây rau khúc khô 30-60g, kê nội kim (màng mề gà) 1 cái, sắc nước uống trong ngày.

- Chữa khí hư bạch đới ở phụ nữ: Dùng rau khúc 15g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 15g, đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn)15g, cỏ  xước 12g sắc nước uống trong ngày; Lưu ý: Không dùng thuốc trong lúc đang hành kinh.

- Chữa đau nhức do thống phong (Gut - Guoty Arthiritis): Dùng lá và cành non cây rau khúc, rửa sạch, giã nát đắp vào chỗ đau sưng, băng cố định lại; Có tác dụng giảm đau khá tốt.

- Chữa gân cốt sưng đau, chân và đầu gối sưng thũng, đòn ngã tổn thương: Dùng toàn cây rau khúc khô 30-60g, sắc nước uống trong ngày.

- Chữa ngộ độc đậu tằm (fabism): Dùng rau khúc khô 60g, xa tiền thảo 30g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 30g, nhân trần 15g. Nước 1.200ml, sắc cạn còn 800ml, hòa thêm đường vào uống thay trà trong ngày.

- Chữa vết thương sưng tấy, vết thương không liền miệng: Dùng toàn cây rau khúc khô 30g, sắc nước uống trong ngày; đồng thời giã lá rau khúc tươi trộn với cơm giã nát đắp lên vết thương.

- Chữa nhọt đầu đinh mới mọc: Dùng lá rau khúc tươi trộn với cơm nguội và vài hạt muối đắp lên nhọt.

Nguồn: Tiền Phong online

No comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger