Pages

Oct 25, 2012

Một thời để nhớ

Ngày nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong số các bệnh viện lớn nhất của cả nước, cơ sở khang trang, máy móc thiết bị hiện đại, có một đội ngũ cán bộ đông đảo, nhiều kiến thức và kinh nghiệm, phát triển được nhiều kỹ thuật mới, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Để có được thành tựu này thì nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên đã kế tiếp và hỗ trợ lẫn nhau để làm nên sự nghiệp đó. Tôi chợt nhớ về những năm tháng xa xưa, ngày mới thành lập Bệnh viện Trung ương Yên Trạch (tiền thân của Bệnh viện Trung ương quân đội 108)...

...Cuối tháng 5 năm 1951, sau khi đi bộ dọc theo dãy Trường Sơn, từ liên khu 5 ra Việt Bắc, tôi đến Phố Ngữ (Thái Nguyên) - nơi Cục Quân y đóng quân. Tôi vào gặp đồng chí Cục trưởng - bác sĩ Vũ Văn Cẩn để báo cáo tình hình và mục đích chuyến đi. Sau khi nghe xong, anh Cẩn nói với tôi: "Anh nên vào Yên Trạch, cách đây 10 cây số, sâu phía trong".

Để phục vụ cho việc cứu chữa các thương binh của chiến dịch biên giới, Cục tổ chức một bệnh viện mặt trận tại Thủy Khẩu, một xã thuộc huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, sát biên giới Việt - Trung. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bệnh viện giải thể, cán bộ, nhân viên ta rút về Yên Trạch và đang xây dựng một bệnh viện mới từ tháng 2/1951. Cơ sở tạm đủ và sau khi ổn định biên chế, tổ chức, điều kiện để triển khai nghiệp vụ chuyên môn và sinh hoạt. Cục chính thức tổ chức lễ thành lập bệnh viện lấy tên là Bệnh viện Trung ương Yên Trạch, ngày 1/4/1951.

Tôi đi theo đồng chí liên lạc, lội qua nhiều suối và sau hơn hai giờ thì đến nơi. Trên một ngọn đồi không cao, có nhiều cây cọ, ngọn nhiều lá, chồng lên nhau, che kín phía dưới, ngọn đồi đã được san bằng và có trên 10 nhà lán, vách bằng tre đan kín và lợp lá cọ khô mới được dựng xong. Tôi tham dự phần cuối của lớp khai giảng ngắn hạn giới thiệu về tổ chức cơ cấu bệnh viện, chức trách và trách nhiệm của từng bộ phận, các chế độ chuyên môn... mà Cục tổ chức.

Sau khi lớp bế mạc, học viên đã về đơn vị, ở lại Yên Trạch chỉ còn anh Trần Bảo, tôi và khoảng mấy chục nhân viên. Tháng 7/1951, Cục Quân y thành lập 9 phân viện tỉnh lại, theo đó, Bệnh viện Trung ương Yên Trạch được đổi tên thành Phân viện 8. Anh Trần Bảo được chỉ định làm Viện trưởng, còn anh Vũ Đình Tuân và tôi tạm thời làm Viện phó để giúp anh Bảo.

Bộ phận chuyên môn gồm có 1 phòng khám bệnh, 1 ban lâm sàng nội, 1 ban lâm sàng ngoại, mỗi ban có 50 giường, 1 nhà mổ, một bộ phận hóa nghiệm làm được các xét nghiệm đến hồng cầu, bạch cầu, công thức bạch cầu, tìm ký sinh trùng sốt rét, một bộ phận được cấp phát các thuốc chữa bệnh sốt rét, rối loạn tiêu hóa, lỵ, viêm họng, ghẻ, hắc lào, đồng thời đun nước cất, pha chế huyết thanh mặn, ngọt. Bệnh nhân không nhiều, vì việc khám chữa bệnh chủ yếu làm cho các cơ quan trực thuộc Cục và một số đơn vị bộ đội đóng gần; ngoài ra giúp dân và các gia đình cán bộ nhân viên.

Hằng ngày, chúng tôi làm công tác chuyên môn buổi sáng, buổi chiều tập trung làm thêm lán mới. Một tuần đôi lần, mọi người tham gia chơi bóng chuyền, chúng tôi còn cùng nhau múa hát vào những đêm trăng sáng của mùa hè. Chủ nhật thường ra nhà dân và các bản, vừa để thăm vừa để giúp dân chữa bệnh. Túi thuốc mang theo chủ yếu là thuốc chống sốt rét, hắc lào, ghẻ, đau mắt. Cuộc sống thanh đạm nhưng vui...

...Một buổi sáng còn rất sớm, sương mù dày đặc. Anh Bảo và tôi đang nằm thì thấy ánh sáng bó đuốc lọt qua khe vách tre và nghe tiếng người đang khiêng cáng đến gần. Chúng tôi vội vàng chạy và nói họ đưa thẳng vào lán cấp cứu. Bệnh nhân là anh Phan Hữu Đào ở bộ phận của anh Nguyễn Văn Đàn. Dưới ánh sáng đèn bão, chúng tôi thấy anh Đào nằm co người, hai mắt nhắm có vẻ rất mệt. Da, niêm mạc đều có màu vàng...

Chúng tôi đang khám thì nghe anh Đào ấp úng: "Mình bị sốt rét, song bận quá không đi khám được, lên cơn liên tục, mình uống rất nhiều quinacrin. Bảo ơi, Đàn ơi, cứu mình với!".

Sau khi khám xét thấy lách hơi to, chúng tôi muốn làm thêm xét nghiệm máu để kiểm tra, song lúc bấy giờ chỉ có đếm hồng cầu, bạch cầu, làm công thức bạch cầu, tìm ký sinh trùng sốt rét, còn về sinh hóa thì chưa triển khai. Chúng tôi bàn có nhiều khả năng là bị ngộ độc quinacrin vì uống quá nhiều. Hướng điều trị là làm sao cho thuốc thải ra ngoài nhanh, lúc bấy giờ chỉ có cách là cho bệnh nhân ăn cháo, uống sữa, uống nhiều nước râu ngô, hoa quả, tiêm thuốc trợ tim. Bệnh nhân đái rất nhiều, nước tiểu màu vàng sẫm, tuy nhiên vẫn còn rất mệt và chưa dậy được. Sang tuần thứ hai, anh Đào đã ngồi dậy được và đòi ăn cơm. Tuần sau nữa, sự hồi phục sức khỏe của anh rất nhanh...

Đó là trường hợp bệnh nhân nặng đầu tiên và chúng tôi không có ai để trao đổi ý kiến, không có tài liệu tham khảo, thuốc men thiếu thốn mà anh Đào lành bệnh ra về. Điều này làm chúng tôi sung sướng vì đã cứu được bạn.

Đầu năm 1952, do yêu cầu của công việc, tôi được bổ sung về Phòng Quân y của Đại đoàn 312, sau đó được cử đi học ở nước ngoài...

Sau 3 năm học ở Đức, tôi về nước và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Hóa nghiệm tại Bệnh viện 108 (tiền thân là Bệnh viện Yên Trạch). Thời gian trôi qua nhanh thật. Người cũ còn lại quá ít, người mới cũng không mấy dịp được nghe kỷ niệm về những ngày đầu khó khăn và thiếu thốn. Nhân đây cũng là cái mốc để so sánh và thấy sự trưởng thành vượt bậc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

GS.BS. Trương Xuân Ðàn (nguyên Chủ nhiệm khoa Huyết học BVTWQÐ 108)

No comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger