Pages

Apr 27, 2010

Tình hình bệnh khi chuẩn bị chuyển mùa: Không thể coi thường

Trong thời gian gần đây, nhiều căn bệnh như sốt siêu vi, sốt phát ban, bệnh về đường hô hấp... ở trẻ em đang gia tăng. Đặc biệt, dù không phải là mùa của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhưng từ đầu năm đến nay căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 2 trẻ em...

 Chăm sóc bệnh nhi bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.


GIA TĂNG BỆNH

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, dù số trẻ nhập viện không tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng số trẻ đến khám và điều trị do mắc các bệnh liên quan đến mùa nắng nóng đang có dấu hiệu tăng. "Vào mùa nóng, nhiều phụ huynh chủ quan cho con tắm nước mát, uống nước lạnh hay chính thói quen ăn uống không hợp vệ sinh cũng dễ phát sinh bệnh. Thực tế đã có nhiều trẻ phải nhập viện do bị sốt siêu vi, tay - chân - miệng, SXH và các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa. Đặc biệt, có những trường hợp do nhập viện trễ, bệnh biến chứng trở nặng khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn" - bác sĩ Hà nói.

Phó trưởng khoa hồi sức tích cực Phạm Thị Thanh Thủy thì cho hay, đã có những trường hợp trẻ bị viêm não, viêm màng não, viêm phổi nặng phải nằm điều trị kéo dài mà trước đó người nhà bệnh nhân chỉ nghĩ con em mình mắc những bệnh cảm sốt thông thường. "Triệu chứng của một số căn bệnh trong mùa nắng nóng này rất giống nhau, chẳng hạn như cũng sốt cao, ho, ói. Do đó, phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe con em mình và có chế độ chăm sóc đặc biệt khi trẻ bệnh. Khi thấy trẻ li bì, bứt rứt, ói nhiều, co giật thì bệnh đã nặng, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời" - bác sĩ Thủy nhấn mạnh.

Cũng tại khoa hồi sức tích cực, hiện có hơn chục trẻ đang trong tình trạng viêm phổi nặng, sốt xuất huyết, viêm màng não đang điều trị. Theo các bác sĩ, để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất vẫn là tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh trong ăn uống và trong môi trường sống.

LO BÙNG PHÁT NHIỀU BỆNH

Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai cho hay, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận trên 3.500 trường hợp bị tiêu chảy. Đây mới chỉ là những ca thống kê được từ các cơ sở y tế, thực tế còn có thể cao hơn nhiều. Tuy chưa có trường hợp nào bị tả nhưng nhiều khả năng căn bệnh nguy hiểm này sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng, nhất là khi địa phương ở sát Đồng Nai là TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận vài trường hợp mắc bệnh. Đồng Nai cũng là điểm nóng về tiêu chảy khi trong năm 2009 liên tiếp xảy ra các vụ tiêu chảy hàng loạt làm hàng trăm người mắc.

Bên cạnh đó, bệnh SXH dù chưa phải là "mùa" dịch nhưng cũng đã có những diễn biến rất phức tạp. Bác sĩ Ngưỡng cho hay, hiện toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 380 trường hợp mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Những địa phương có nhiều người mắc bệnh nhất là TX. Long Khánh, huyện Trảng Bom và TP. Biên Hòa. "SXH là căn bệnh lưu hành quanh năm nhưng bệnh thường bùng phát mạnh trong thời điểm giao mùa. Người dân cần đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi của thời tiết và một số biện pháp phòng bệnh để kịp thời xử lý khi dịch đến hoặc có người thân mắc bệnh" - bác sĩ Ngưỡng khuyến cáo

No comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger