Pages

Sep 29, 2012

Rau má làm thuốc

Rau má thường được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày, có thể ăn sống để khai vị, có thể ăn luộc hoặc nấu canh... ép lấy nước để giải khát, nhất là trong mùa hè, nắng nóng.

  • Rau má không chỉ là rau
  • Rau má chữa bệnh

Ngoài giá trị làm thực phẩm, rau má có thể sử dụng để làm thuốc, chữa một số chứng bệnh, như sau.

Chữa trúng thử, say nắng, say nóng: Lấy khoảng 100g rau má tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, thêm chút muối ăn, quấy đều cho uống. Có thể kết hợp rau má với lá sen tươi, cỏ nhọ nồi tươi, mỗi thứ 100g, rửa sạch, thái nhỏ, giã nát, vắt lấy dịch, thêm chút muối ăn, quấy đều cho uống. Ngoài ra có thể dùng rau má dưới dạng chè để giải nhiệt hàng ngày: rau má, vỏ đậu xanh, đậu ván trắng, mạch môn, mỗi vị 12g, sinh địa 10 g, sa sâm, lá tre (tươi) mỗi vị 8 g, cam thảo 4 g, ngày 1 thang, dưới dạng hãm.

Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa: Hàng ngày ăn rau má tươi, hoặc giã nát vắt lấy nước uống, nếu trẻ nhỏ, có thể thêm chút đường hoặc mật ong cho dễ uống.

Chữa ho khan, ho lâu ngày, ho thể nhiệt: Rau má tươi 100g, rửa sạch vắt lấy dịch cho uống; có thể dùng 40g rau má (khô) phối hợp với bạc hà, cóc mẳn, mỗi vị 16g, bách bộ, mạch môn, mỗi vị 12g, cam thảo 8g. Sắc uống, ngày một thang. Uống liền 1-2 tuần.

Chữa đau bụng tiêu chảy, rau má khô (sao vàng) 10g, bạch biển đậu 12g, hoắc hương, hương phụ, hạt mã đề, mỗi vị 8g, sa nhân 3g, gừng tươi 2g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Chữa viêm loét dạ day, tá tràng: rau má (khô) 12g, đảng sâm 16g, hoài sơn, ý dĩ, kê huyết đằng, cam thảo dây, hà thủ ô đỏ, đỗ đen (sao), mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Chữa viêm bàng quang cấp: rau má 10g, bồ công anh 20g, mã đề 16g, thài lài tía, chi tử, râu ngô, mộc thông, cam thảo dây, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Chữa viêm gan vàng da: rau má (tươi) 100g, nhân trần  30g, chi tử 12g, vàng đắng 6g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Gần đây rau má được bào chế dưới dạng thuốc mỡ để chữa bỏng có hiệu quả tốt, giúp cho vết thương phát triển tổ chức hạt và lên da non nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong khi sử dụng, cần phân biệt một số dược liệu mang tên Rau má, sau đây:

- Rau má lông (Glechoma hederacea L.), họ bạc hà (Lamiaceae), mọc hoang ở vùng núi Tam Đảo, Lào Cai, Lạng Sơn... Cây có thân vuông, cao độ 10-30 cm. Lá tròn, có răng cưa giống lá rau má. Khi vò có mùi thơm. Rau má lông được dùng chủ yếu để chữa sỏi niệu quản, sỏi mật, sỏi ống dẫn mật, viêm thận, phù thũng, hoặc các trường hợp khí hư bạch đới, chữa kinh nguyệt không đều, ngày 12- 16g, dưới dạng thuốc sắc

- Rau má lá to (Hydrocotyle nepalensis Hook.). Cây có lá giống lá rau má, cao độ 20-30 cm, hoa nhỏ, mầu trắng. Cây dùng làm dược liệu trị ho, hen, khí hư bạch đới, viêm gan.

- Rau má mỡ (Hydrocotyle sibthorpioides Lam.). Lá giống lá rau má, song có kích thước nhỏ hơn. Mặt trên lá nhẵn bóng, giống như láng một lớp mỡ. Hiện được sử dụng toàn cây để trị viêm gan vàng da, viêm gan virut, xơ gan, viêm họng, cảm sốt,  ngày 20 - 40g, dưới dạng nước sắc.

Ngoài các loài rau má nói trên, còn có một số cây khác cũng mang tên rau má: Cây rau má lá rau muống trị ngứa lở, ung nhọt, đau mắt đỏ, đau họng... rau má núi trị tiêu thũng, hút mủ. Rau má nước trị đau bụng, tê thấp, rau má ngọ trị mụn nhọt, rắn cắn, rau má vĩ (rong mơ) trị bướu cổ, thủy thũng.

GS. TS. Phạm Xuân Sinh

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống

No comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger