Pages

Apr 25, 2010

Phân biệt cúm và bệnh cảm mùa ở con trẻ

Bé không thể đến trường vì một số các triệu chứng như ho, đau họng, nóng sốt. Đó có phải là cúm không? Hay chỉ là bệnh cảm theo mùa?

Bệnh cúm sẽ có một số dấu hiệu điển hình làm cho trẻ cảm thấy mệt mỏi tệ hại hơn bệnh cảm lạnh thông thường, nhưng thật không thể dễ dàng để nhận dạng được sự khác nhau giữa hai loại bệnh cúm và bệnh cảm.


Phân biệt triệu chứng của cảm và cúm

Để xác định được rõ ràng hơn triệu chứng giữa cúm và cảm ở trẻ, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau đây:

  • Thời gian biểu hiện trẻ mắc bệnh có nhanh không?
  • Trẻ có sốt không?
  • Trẻ có biểu hiện kiệt sức không?
  • Trẻ có nhức đầu không?
  • Trẻ có chán ăn không?
  • Trẻ có đau nhức cơ bắp không?
  • Trẻ có nóng lạnh không?

Nếu hầu hết những câu hỏi của bạn đều là có, có nghĩa là bé đã bị cúm. Nếu những câu hỏi của bạn đa số là không, thì bé yêu của bạn chỉ đang vướng vào một bệnh cảm lạnh thông thường mà thôi.

Nhưng đừng vội xem thường những triệu chứng của hai loại bệnh này. Một điều quan trọng bạn cần phải nhớ là bệnh cúm có thể lây truyền từ trẻ này qua trẻ khác trong trường học và mức độ nặng hay nhẹ sẽ khác nhau tùy theo sức đề kháng của mỗi em. Vì thế, khi các em nhỏ có nhiều triệu chứng của cúm, giáo viên và phụ huynh nên cho các em cách ly với các trẻ khác và cho bác sĩ làm các xét nghiệm để xác định xem trẻ bị cúm hay chỉ bị các cảm lạnh thông thường.

Một số vi khuẩn gây bệnh, như khuẩn cầu chuỗi gây viêm họng hoặc viêm phổi cũng có những triệu chứng như bệnh cảm hoặc bệnh cúm. Vì thế, việc định bệnh là rất quan trọng để cho các em uống đúng thuốc, tránh tình trạng bệnh có diễn biến nặng hơn, trẻ sẽ khó thở, sốt cao, nhức đầu dữ dội, viêm hầu họng…

Những trẻ có sức khỏe tốt và sức đề kháng cao cũng có thể gặp những biến chứng khó lường đối với bệnh cúm, vì thế đừng xem thường. Bạn cần phải đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ khám và điều trị nếu trẻ có các triệu chứng cúm.

Chăm sóc trẻ

Trong thời gian trẻ cảm hoặc cúm, bạn nên cho trẻ uống thật nhiều nước lọc để giải nhiệt cho cơ thể. Những thức uống có nhiệt độ hơi lạnh và được pha trộn bằng các loại trái cây như dưa hấu hoặc nho cũng sẽ có ích lúc này vì nó giúp cơ thể trẻ cân bằng lượng hydrat.

Cố găng khuyên trẻ nên nằm nghỉ trên giường hoặc ghế sô pha. Một đoạn phim hoạt hình hấp dẫn mà bé yêu thích sẽ làm cho con bạn cảm thấy thoải mái hơn vào lúc này.

Nên thận trọng đối với những loại thuốc bạn dùng cho bé, nhất là đối với trẻ dưới 2 tuổi. Tất cả những loại thuốc này nên được dùng dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Nếu trẻ sốt, bạn nên mặc đồ thoáng, mỏng và dễ rút mồ hôi cho trẻ. Không nên ủ kín trẻ trong mền và quần áo có chất liệu ni lông dù đôi khi trẻ cảm thấy ớn lạnh.

Bạn cũng nên cẩn thận khi chăm sóc bé, tránh để cho bản thân bạn và những đứa trẻ khác trong nhà bị lây nhiễm bằng cách tránh cho chúng tiếp xúc với trẻ. Mọi người trong gia đình nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là sau khi chăm sóc bé.

Ai trong gia đình bạn nên chích ngừa cúm?

  • Trẻ từ 6 tháng trở lên và những người lớn đều có thể chích ngừa cúm. Đặc biệt, những người làm việc trong môi trường nghề nghiệp dễ mắc hay lây truyền bệnh cúm như nhân viên tại các bệnh viện, cơ sở y tế, cảnh sát… và những người làm việc thường xuyên ở nơi có đông người qua lại.
  • Phụ nữ đã có thai từ ba tháng trở lên cần được chích ngừa cúm với loại siêu vi trùng đã làm giảm cường lực.
  • Những bệnh nhân đã mắc bệnh mãn tính như tim, phổi, hen suyễn, tiểu đường, bệnh kinh niên về thận… cũng nên chích ngừa cúm. Vì sức đề kháng những người này rất yếu nên bệnh cúm có thể dẫn nhanh đến nguy cơ viêm phổi, nhiễm trùng phổi và tử vong.
  • Nhóm bệnh nhân cần được chú ý chích ngừa cúm kế đến là những người mắc bệnh xơ gan, những bệnh nhân suy yếu miễn dịch như ung thư máu, đang chữa ung thư bằng phóng xạ, hóa chất.
  • Những người có kế hoạch đi du lịch đến các nước khí hậu nhiệt đới từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm cũng nên chích ngừa cúm trước khi khởi hành.

Ai trong gia đình bạn không nên chích ngừa cúm

  • Những người thường xuyên bị dị ứng với trứng hoặc các sản phẩm làm từ trứng.
  • Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.
  • Những người phản ứng với thành phần của thuốc.
  • Những người có triệu chứng Guillain-Barré (một bệnh lý về thần kinh), một căn bệnh hiếm thấy thường làm suy giảm hệ miễn dịch và các dây thần kinh.
  • Những người đang bị cúm.

No comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger